Cận kề 20.11, cô giáo Dương Thị Phương Thảo nghẹn ngào chia tay một đồng nghiệp với hàng chục năm kinh nghiệm, đạt giáo viên giỏi cấp quận đã rời bục giảng đi xuất khẩu lao động vì không thể chịu được áp lực trong nghề với lương tháng chỉ 4,1 triệu đồng.
Nghề “tay trái” nuôi sống bản thân, gia đình
Tại hội thảo “Áp lực lao động nghề nghiệp của nhà giáo phổ thông hiện nay: Thực trạng – nguyên nhân – giải pháp” được tổ chức ngày 16.11, cô giáo Dương Thị Phương Thảo (Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội) bồi hồi chia sẻ về áp lực của nghề giáo bởi ngày hôm nay đồng nghiệp của cô lên máy bay đi xuất khẩu lao động cùng chồng tại Nhật Bản.
Đó là một cô giáo vào nghề từ năm 2011, dạy môn Lịch sử, đã giành được thứ hạng khá cao trong thi giáo viên giỏi nhưng rồi đành dừng bước vì áp lực. Điều đáng nói là trong những ngày cuối cùng làm việc ở trường, cô ấy đã hào hứng tâm sự: “Em sắp thoát rồi chị ạ!”.
Có rất nhiều áp lực đè nặng trên đôi vai giáo viên, biến những háo hức, khát vọng thuở ban đầu của nghề giáo thành những gánh nặng vô hình cần phải trút bỏ.

Áp lực là thế, nhưng 14 năm ra trường, công tác trong ngành giáo dục, mức lương hiện của cô Thảo chỉ 4.754.000 đồng. Cô Thảo tâm sự, cô bám trụ được với nghề nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình. Nhưng không ít giáo viên, vì không đủ trang trải cuộc sống bằng lương nhà giáo nên phải bán hàng qua mạng.
Thậm chí, một đồng nghiệp của cô, dạy môn Lịch sử, từng rất ao ước về nghề giáo, cũng vì không thể bám trụ tại thủ đô với mức lương 4,1 triệu đồng sau 8 năm công tác nên phải đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản..
Những câu chuyện thực tế ấy chỉ là những trường hợp nhỏ nhưng khá điển hình về xu hướng mới của nhiều giáo viên hiện nay.
Nhiều giáo viên chỉ chờ để ra khỏi ngành
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ những con số nghiên cứu đáng quan tâm. Các nghiên cứu ở một số nước Châu Âu, Mĩ và Úc cho biết “có khoảng 1/3 giáo viên đã bỏ nghề trong những năm đầu tiên đi dạy”.
PGS Trần Kiều – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, nghiên cứu của Nguyễn Thị Bình, Vũ Trọng Rỹ chỉ lấy mẫu 500 trong khoảng 800.000 giáo viên phổ thông là quá bé không thể khái quát hoá tổng thể chung, nhưng để lại những thông số rất đáng chú ý.
50% giáo viên từ chối đăng kí lại nghề giáo, có khoảng 10-15% thực sự yêu nghề, 65-70% cho rằng đây là một nghề cũng mưu sinh như mọi nghề khác, nhưng khi đứng trên bục giảng họ thấy phải có trách nhiệm, 10% chỉ chờ để ra khỏi ngành.

Ngoài những công việc trên, giáo viên còn phải học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp, các hoạt động xã hội, văn nghệ thể thao… Thực tế này đã nói lên phần nào về sự quá tải trong lao động sư phạm.